Chiến thắng của nhân văn

    Giá trị nhân văn luôn chạm đến trái tim con người. Những chiến thắng ở giải Oscar lần này đã nói lên điều đó

    Giá trị nhân văn luôn chạm đến trái tim con người. Những chiến thắng ở giải Oscar lần này đã nói lên điều đó

     

    Không có bất ngờ nào khi các kết quả được công bố tại lễ trao giải Oscar lần thứ 86 (diễn ra vào sáng qua, 3-3, giờ Việt Nam tại nhà hát Dolby, thành phố Los Angeles - Mỹ) so với dự đoán của công chúng và báo chí (đúng đến 99%). Sự tôn vinh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) dành cho các nghệ sĩ, tác phẩm điện ảnh xuất sắc trong năm qua đã khẳng định sự đầu tư vượt trội về tiền của lẫn chất xám cho điện ảnh ở Hollywood được tưởng thưởng. Mọi chiến thắng đều xứng đáng nhưng vẫn còn những nuối tiếc.

     

    Diễn xuất hay chưa đủ

    Một lần nữa, Leonardo DiCaprio (Leo) lại ra về trắng tay dù vai diễn của anh trong The Wolf  of  Wall street được cho là quá tuyệt vời. Công chúng cho rằng Leo không có duyên với Oscar, còn đạo diễn Martin Scorsese thì an ủi rằng: “Đừng quan tâm tới giải thưởng. Cậu đã có một tượng Oscar trong lòng tôi rồi”. Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là cách an ủi Leo. Tượng vàng Oscar lần thứ 86 dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất đã thuộc về Matthew McConaughey với vai diễn người đàn ông dũng cảm chiến đấu chống lại căn bệnh AIDS trong bộ phim Dallas Buyers Club. Buồn, thất vọng là cảm xúc hiển nhiên đến với Leo bởi anh luôn ao ước giấc mơ Oscar của mình một lần thành sự thật. Thậm chí, công chúng đã đặt cược nhiều hơn về bước đi làm nên lịch sử trong sự nghiệp điện ảnh của anh lần này sau nhiều năm nhận được đề cử và trắng tay.

     

    Các nghệ sĩ của phim 12 Years A Slave mừng vui trong chiến thắng Ảnh: REUTER
     
    Các nghệ sĩ của phim 12 Years A Slave mừng vui trong chiến thắng Ảnh: REUTER
     

    Sự cộng hưởng của cả 2 luồng dư luận khen chê dành cho The Wolf of Wall street trước đó đã giúp cho bộ phim nổi đình đám. Là linh hồn của bộ phim, hẳn nhiên, Leo trở thành tâm điểm dư luận. Với những gì Leo đã thể hiện, không ai có thể chê khả năng diễn xuất đến xuất thần của anh. Chính điều đó khiến cho mọi người thấy thật tiếc khi anh lại thất bại ở Oscar 86.

    Từ trái qua: Nam diễn viên chính, Nữ diễn viên chính, Nam diễn viên phụ, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
     
    Từ trái qua: Nam diễn viên chính, Nữ diễn viên chính, Nam diễn viên phụ, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
     

    Cũng phải thừa nhận vai diễn Ron Woodroof của Matthew trong Dallas Buyers Club không tệ, nhất là khi anh dám rũ bỏ hình ảnh đẹp như một bức tượng thần của mình để vào vai Ron Woodroof - người bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Chẳng còn ai nhận ra một Matthew McConaughey điển trai, hào hoa khi anh vào vai diễn trong bộ dạng con bệnh đang đến hồi sức tàn, lực kiệt. Hình tượng Ron Woodroof  của Matthew không chỉ được xem như tấm gương trong chiến đấu chống chọi với bệnh AIDS, vượt lên số phận mà câu chuyện cuộc đời cũng như những việc làm của anh vì người cùng cảnh ngộ mang giá trị nhân văn. Điều này không có trong câu chuyện The Wolf of  Wall street.

    Đây là lần đầu tiên Matthew giành được tượng vàng Oscar. Nhìn lại hành trình 3 năm qua, Matthew đã có sự đột phá mãnh liệt trong sự nghiệp diễn xuất.

    Gai góc hơn, nặng đô hơn, ám ảnh người xem hơn, tâm lý có chiều sâu hơn là những gì chúng ta có thể nhận xét về anh trong Lincoln Lawyer, Killer Joe hay Bernie, Mud rồi đỉnh cao là Dallas Buyers Club.

    Oscar - một giải thưởng danh giá và suy cho cùng, giá trị nhân văn luôn đủ sức làm lay động trái tim con người. Leo giỏi nhưng anh tấn công người xem bằng lối diễn trực diện đến tàn bạo (chưa kể một số thành viên trong AMPAS chỉ trích The Wolf of  Wall street đưa quá nhiều cảnh trụy lạc vào chẳng khác nào tán tụng lối sống sa đọa, lừa lọc và tội lỗi của nhân vật Jordan Belfort). Và  phim của anh hay nói cụ thể là vai diễn của anh không cho thấy sự nhân văn trong đó, trong khi Matthew có cả hai.

     

    Phim xuất sắc nhất ngày càng... bình thường

    Cũng nằm trong khuôn mẫu nghiêng về yếu tố nhân văn của các thành viên AMPAS, chiến thắng của 12 Years A Slave (12 năm nô lệ) là điều hiển nhiên như dự đoán.

    Ngay khi xuất hiện với vai trò dẫn dắt lễ trao giải năm nay, MC Ellen DeGeneres đã nói đùa: “Khả năng thứ nhất: 12 Years A Slave sẽ đoạt giải Phim hay nhất; khả năng thứ hai: Tất cả các bạn đều là người phân biệt chủng tộc!”. Và lời nói đùa của Ellen đã thành sự thật khi 12 Years A Slave đã được vinh danh ở giải thưởng cao nhất - Phim hay nhất năm, đồng thời mang về tượng vàng ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Lupita Nyong’o. Đúng như lời phát biểu của Lupita khi nhận tượng vàng: “Bạn từ đâu đến không quan trọng, giấc mơ của bạn mới có giá trị!”, 12 Years A Slave thể hiện đúng tinh thần ấy.

    Femi Oguns, một chuyên gia tìm kiếm và phát triển các tài năng diễn viên da màu, chia sẻ với AFP rằng các phong trào đòi quyền công dân tại Mỹ đã giúp những người Mỹ gốc Phi tạo ra thay đổi. Trong khi đó, tại Anh, mọi người vẫn tiếp cận vấn đề này theo cách thụ động. Chính điều này lý giải cho chiến thắng của 12 Years A Slave ở Oscar lần thứ 86. Một tác phẩm với câu chuyện phim là thông điệp về khát khao tự do, niềm hy vọng và sự tranh đấu của con người, dĩ nhiên chiếm được cảm tình của AMPAS nhiều hơn so với các tác phẩm khác. Tuy vậy, 12 Years A Slave cũng chỉ là một bộ phim bình thường như 8 đối thủ còn lại.

    Nhìn vào danh sách 20 tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Hollywood trong 20 năm qua vừa được thống kê, phim thắng Oscar ngày càng giảm ấn tượng. Những bộ phim như Argo (2013), The Artist (2012), The King’s speed (2011), The hurt locker (2010), Slumdog Millionaire (2009), No country for old men (2008), The Departed (2007), Crash (2006), Million dollar baby (2005), The Lord of the Rings: The Return of the King (2004), Chicago (2003), A Beautiful Mind (2002), Gladiator (2001), American Beauty (2000), Shakespeare in Love (1999), Titanic (1998), The English Patient (1997), Braveheart (1996), Forrest Gump (1995), Schindler’s List (1994) lần lượt được tôn vinh nhưng ít phim thật sự gây ấn tượng. Có lẽ Titanic là điểm sáng tuyệt vời trong lịch sử giải Oscar cho đến nay.

     

    Kết quả một số giải thưởng chính còn lại

    Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Cate Blanchett trong phim Blue Jasmine.

    Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Jared Leto trong phim Dallas Buyers Club.

    Đạo diễn xuất sắc nhất:  Alfonso Cuaron với phim Gravity.

    Phim hoạt hình hay nhất: Frozen.

    Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất: The Great Beauty.

    Kịch bản xuất sắc nhất: Her.

    Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: 12 Years A Slave.

    Bài hát trong phim hay nhất: Let It Go.

     

     

    Theo nld.com.vn