5 lý do vua Hùng không muốn tổ chức giỗ từ năm sau

    Với những hình ảnh về thực trạng lễ hội ở nước ta, nếu vua Hùng còn có thể nói lên suy nghĩ của mình, chắc Người sẽ không còn muốn tổ chức giỗ nữa. Vì 5 lý do sau đây.

    Với những hình ảnh về thực trạng lễ hội ở nước ta, nếu vua Hùng còn có thể nói lên suy nghĩ của mình, chắc Người sẽ không còn muốn tổ chức giỗ nữa. Vì 5 lý do sau đây.

     

     

    Hình ảnh mang tính chất minh họa.

     

    Lý do thứ nhất: Hàng ngàn năm sau khi Vua mất, gần 100 triệu con dân của Người, phần đông vẫn không học được những điều đơn giản nhất mà hầu hết cả thế giới đều biết - xếp hàng. Phải tự giác giữ trật tự ở chỗ đông người, không chen lấn xô đẩy gây hỗn loạn, biết giữ văn minh khi đi du lịch, tham quan.

     

    Khổ bà già, tội trẻ con, thương người có bệnh. Từ trên đỉnh non cao, nhìn đàn con cháu “có lớn mà không có khôn”, Vua thấy mà buồn không tả xiết!

     

    Lý do thứ hai: Cứ đến ngày giỗ của mình, Vua lại thấy đau lòng trước thói ưa hình thức, lãng phí kệch cỡm đến vô lý của đám cháu con. Thời xưa, dù cho bánh chưng là đất, bánh dày là trời thì cũng chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh như một nét văn hoá đẹp, chứ không phải bánh chưng tấn rưỡi, bánh dày tạ hai như bây giờ.

     
     

    Ở miền cao, trẻ em còn mơ được ăn cơm có thịt. Miền Tây sắp khô hạn cả rồi. Đất nước còn nghèo khó, nợ công mỗi lúc một dày. Vua lòng dạ nào mà ăn cho được. Và hơn cả, Vua đâu dám ăn vì ai dám chắc thịt nhân bánh không có chất tạo nạc, gạo nếp kia không phải hạt nhựa Tàu, ăn vào có khi Vua “băng hà” lần nữa. Ngẫm mà đắng lòng!

     

    Lý do thứ ba: Mỗi lần giỗ, Vua mệt mỏi vì những lời khấn nguyện xàm xí của cháu con. Kẻ cầu cho con được trúng mánh lên đời xe, đứa thì mong được thăng quan tiến chức, ti tiện hơn thì cầu cho con năm nay xà xẻo được nhiều,...Vua nghe xong chỉ muốn đuổi tất cả lũ về, tìm ngay lại chuyện Mai An Tiêm mà đọc. Không có quả ngọt nào chỉ cần cầu khấn mà có. Thế kỉ nào rồi mà còn mơ làm ít ăn nhiều. Phải là nước mắt, mồ hôi gian khó, trí tuệ cần cù mới mong có hoa thơm trái ngọt. Vua thấy mà thêm sầu!

     

    Lý do thứ tư: Vua buồn khi cháu con chỉ mượn cớ giỗ mình để thêm ngày nghỉ, bày trò nhậu nhẹt tối ngày, say xỉn hò hét như thể nơi rừng xanh núi đỏ. Để rồi mỗi lần giỗ xong là năm sau lại thành giỗ của vài ngàn đứa chết vì tai nạn giao thông hay đánh nhau ẩu đả. Thương cha Lạc mẹ Rồng thì cố gắng làm lụng chăm chỉ, đừng hò nhau đổ về Phú Thọ nữa, núi Nghĩa Lĩnh đã chật chội lắm rồi. Vua ngẫm mà thấy ứa nước mắt.

     

    Lý do cuối cùng: Giỗ Vua nhưng ngày càng ít cháu con biết về lịch sử. Quang Trung giờ chúng nó còn cho thành bạn chiến đấu của Nguyễn Huệ thì nói gì đến vua ở cách đó cả ngàn năm. Lịch sử cách đây vài chục năm đã bị xói mòn nghiêm trọng, Gạc Ma không ai nhắc tới, Vị Xuyên ngày càng nhiều người quên... thì nói gì đến 18 đời vua Hùng tên dài dòng khó nhớ. Vua nghĩ tới mà giận khôn cùng!

     

    Tổ tiên nào cũng mong muốn được thờ cúng, được cháu con nhớ tới, nhưng hơn hết tất cả tổ tiên mong muốn cháu con sống tốt, sống đẹp, sống có ích trong một đất nước hùng cường - văn minh - lịch sự. Vua mất cả ngàn năm nay rồi còn thiết tha gì nữa đâu một ngày giỗ mọn.

     

    Chi bằng từ năm sau toàn dân vẫn cứ đi làm ngày 10/3 Âm lịch nhưng lấy lương bổng ngày đó để làm từ thiện cho đồng bào. Suối sâu còn cần cầu, núi cao học sinh còn cần "Cơm có thịt", đồng bằng cần học phép tắc ứng xử văn minh, trẻ con cần học ngoan ngoãn, người lớn cần tự sửa mình để lúc nào cũng làm người tử tế chứ đợi lúc về hưu thì đã quá muộn. Chỉ cần vậy thôi là Vua chẳng cần giỗ nữa mà vẫn sống đời đời bên cháu con hạnh phúc.

     

    Theo Nguoiduatin.vn

    BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC