Xe khách "thổi giá" dịp Tết sẽ bị xử lý nghiêm

    Bộ Tài chính vừa ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng phối hợp để xử lý nghiêm các các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để “thổi giá”.

    Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

    Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế.... tập trung triển khai thực hiện tốt các công việc về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo đúng quy luật thị trường và quy định pháp luật.

    Riêng đối với giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, Sở Tài chính phối hợp để Sở Giao thông vận tải các địa phương tiếp nhận kê khai giá từ ngày 1/1/2017 theo quy định. Tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao... Đồng thời, công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Bộ Tài chính sẽ quản lý chặt chẽ giá cước vận tải dịp cuối năm. Ảnh: TL

    Ở một diễn biến khác, chiều 20/12 giá xăng dầu đồng loạt tặng mạnh trong dịp điều chỉnh giá cuối cùng trong năm. Theo đó, giá xăng RON 92 tăng 919 đồng/lít; xăng E5 tăng 800 đồng/lít, giá dầu diesel 0,05S tăng 761 đồng/lít và dầu hỏa tăng 734 đồng/lít.

    Đây lần điều chỉnh giá xăng thứ 24 trong năm nay với 13 lần tăng giá (tổng cộng gần 6.000 đồng/lít với giá xăng); 9 lần giảm giá (tổng cộng khoảng 4.463 đồng/lít), 2 lần giữ nguyên với dầu. So với thời gian đầu năm, giá xăng đã tăng hơn 1.000 đồng/lít.

    Việc tăng giá xăng dầu đã gây áp lực tăng giá cước vận tải. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, dịp cuối năm là thời điểm các hãng vận tải có xu hướng tăng giá vì nhu cầu tăng, chiều về rỗng, cộng với việc tăng giá xăng liên tục, nên cước vận tải sẽ khó giữ được giá.

    “Chắc chắn các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cho phù hợp thị trường. Theo quy định, khi giá xăng dầu tăng thêm 5% thì doanh nghiệp được phép tăng giá, các lần tăng gần đây đã vượt quá ngưỡng này”, ông Thanh cho hay.

    Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm cần có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng và sự giám sát của người tiêu dùng để hạn chế sự tăng giá tràn lan.

    Về dịch vụ taxi, đây là loại hình được đánh giá có thể bị tác động mạnh nhất trong đợt tăng giá nhiên liệu lần này. Cụ thể, theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, với mức tăng giá xăng dầu hiện nay, doanh nghiệp taxi khó có thể giữ được giá cũ. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, lúc nào tăng các doanh nghiệp taxi cũng nên tính toán.

     

    Theo Giadinh.net.vn

    BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC