Gần chồng vẫn khát 'yêu'

    Ngày nào vợ chồng cũng gặp nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường nhưng không ít phụ nữ vẫn cảm thấy trống vắng, cô đơn.

    Ngày nào vợ chồng cũng gặp nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường nhưng không ít phụ nữ vẫn cảm thấy trống vắng, cô đơn.

    Họ thèm một vòng tay rắn chắc, thèm một bờ vai để ngả đầu dù người chồng lực lưỡng vẫn nằm bên. Người chồng khô khan, không hiểu ý vợ sẽ khiến cuộc sống lứa đôi thiếu sẻ chia, đẩy không ít phụ nữ vào thế bế tắc, lạc lối.

    Ảnh minh họa.

    Hãy ôm em khi ngủ chồng ơi!

    Cảm giác buồn, cô đơn khi thấy chồng khô khan không biết cách thể hiện tình cảm dù rất yêu vợ được Hoa Khôi thể hiện rõ trong bài viết: “Hãy ôm em khi ngủ chồng ơi!” trên Diendaneva.vn: “Chồng không biết là vợ ao ước được những cái ôm ấy của chồng đến mức như thế nào đâu. Nhiều đêm thức giấc, nhìn sang, thấy chồng khoanh tay ngáy, ngủ ngon lành mà lòng buồn lắm lắm. Biết chồng đi làm mệt mỏi tối về muốn nghỉ ngơi.

    Nhưng chồng ơi những cái ôm đó sẽ xua tan đi bao mệt nhọc hằng ngày và giúp vợ chồng mình gần nhau hơn. Khi được nằm ngủ trong vòng tay êm ái của chồng, vợ thấy mình thật hạnh phúc. Vợ biết chúng ta là của nhau và vợ là của riêng chồng mà thôi.

    Có nhiều cặp vợ chồng khi còn trẻ đã lơ là không hề quan tâm chú ý biểu hiện tình cảm với nhau vì một điều gì đó, hay là vì họ chưa nhận ra, cũng có thể vì họ ngại nói ra cho nhau hiểu vì sợ đối tác cho là mình đòi hỏi này nọ. Nhưng đến khi họ nhận ra điều cần thiết ấy thì đã muộn, vì họ đã lớn tuổi, bày tỏ cũng khó khăn hơn.

    Vợ không muốn mình giống như họ. Có khó gì khi ôm nhau trong lúc ngủ phải không chồng? Hãy bắt đầu từ tối nay chồng nhé. Hãy cho vợ được gần chồng hơn trong mỗi tối để vợ biết rằng chồng luôn yêu vợ chồng nhé”.

    Không chỉ riêng Hoa Khôi mà thực tế rất nhiều phụ nữ, chỉ mong sao mỗi đêm nằm bên chồng, thay vì cứng đờ như khúc gỗ, hai tay khoanh trước ngực, anh hãy ôm vợ vào lòng, để vợ gối đầu lên cánh tay, cho vợ cảm nhận được sự gần gũi, yêu thương của chồng.

    Đưa trường hợp của Hoa Khôi ra làm ví dụ trong cuộc trao đổi với chị Khánh Phương, Trưởng phòng trị sự của một Công ty truyền thông trên phố Trần Nguyên Hãn, Hà Nội, chị Khánh Phương tâm sự: “Chỉ sau khi kết hôn 5 tháng tôi đã cảm nhận thấy cuộc sống của mình sau này có nhiều bi kịch. Không phải vì kinh tế khó khăn, công việc không tốt mà vì anh ấy quá khô khan. Ở nhà anh ấy ít nói, ít cười, chỉ chăm chú vào máy tính hoặc phim chưởng dù ở cơ quan hay ra ngoài anh ấy không thế. Hiếm khi anh có những cử chỉ lãng mạn, còn muốn được tặng hoa, tặng quà trong ngày lễ tôi chỉ có nằm mơ.

    Có những hôm tôi vận chiếc váy ngủ thật đẹp, hoặc thay đổi mùi nước hoa vòng tay ôm cổ anh, anh vẫn tỉnh bơ, không nhúc nhích. Và đương nhiên bị mất hứng là chuyện thường. Tệ nữa là những lúc vợ chồng thật sự có hứng thú ái ân anh ấy cũng lười biếng bỏ qua khúc dạo đầu. Anh giỏi giang trong công việc, kiếm tiền khá, là người chồng, người cha có trách nhiệm nhưng những cảm xúc buồn ngày nào tôi cũng phải nhấm nháp từ anh ấy khiến tình yêu trong tôi tụt dốc.

    Nhiều lúc trong đầu hình thành ý nghĩ giải thoát mình ra khỏi anh ấy. Tôi vào phòng ngủ đóng chặt cửa, nghĩ đến những kỷ niệm tình đầu đẹp đẽ, người ấy biết nói những lời có cánh, biết yêu hết mình, biết mở rộng vòng tay khi tôi muốn sà vào”.

    Cũng theo chị Phương, thực tế chị đã có đối tác, người ấy sẵn sàng đến với chị sau một cú điện thoại hay một tin nhắn ngắn ngủi “em cần anh”. Không ai xa lạ đó là người cho chị mối tình đầu tiên. Nhưng sau đó hai người phải li biệt vì anh sang Pháp du học suốt 5 năm. Nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện “vượt rào” chị lại thấy khổ tâm khôn cùng.

    Quá khô khan sẽ giết chết tình yêu

    Các chuyên gia cho rằng, hai vợ chồng khi đã có sự gắn bó cả về thể xác lẫn tinh thần, để gia đình bền vững các đức ông chồng nên mở rộng vòng tay với vợ. Sự khô khan, cứng nhắc sẽ bào mòn và dần giết chết tình yêu nếu họ không chịu thay đổi. Cuộc đời đã ban cho họ những người vợ biết yêu thương, nhẫn nhịn và đức hy sinh để ở lại bên “những gã củi khô”, cho các đức ông chồng sự dịu ngọt, sinh ra những thiên thần bé nhỏ... Những ân tình đó quá nhiều để các quý ông phải sửa mình.

    Những nỗ lực của chồng bằng cách chung thủy với vợ, làm việc hết khả năng để lo cho vợ con cuộc sống đủ đầy vật chất, làm việc nặng nhọc trong nhà... bằng sự nhạy cảm và tinh tế của người phụ nữ các bà vợ đều nhận ra hết. Nhưng cuộc sống vẫn thật buồn tẻ nếu sự chăm chút đó chỉ diễn ra trong câm lặng. Phụ nữ yêu bằng tai nên họ cần lắm những lời nói yêu thương để ấm lòng.

    Chị Khánh Phương thổ lộ: “Tính khí của chồng ngay từ khi yêu tôi đã hiểu, “non sông khó đổi, bản tính khó dời” và tôi biết hài lòng với những gì mình đang có và việc thay đổi một con người là điều không thể. Nên tôi không đòi hỏi cao mà cần ở anh ấy sự dung hòa không phải là sự thay đổi hoàn toàn. Dù đôi khi tôi cũng mệt mỏi, muốn nổi điên, thậm chí phát cuồng, muốn yêu đến thoả ước muốn thèm khát. Tôi muốn được ngoại tình với một người có thể bù đắp tất cả những thứ tôi đang cần. Tôi thèm được đập phá, thèm được làm lại... Nhưng những lúc tôi càng gồng mình lên để thay đổi tôi càng thấy mình đau khổ nhiều hơn”.

    Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đặng Minh Tâm, Trung tâm Tham vấn tâm lý Hoàng Nhân, Hà Nội thì những trường hợp tương tự như chị Phương cũng có hai mặt. Tuy chồng chị Phương ít nói, khô khan nhưng anh ấy vẫn có những điều đáng yêu. Với những tuýp người này không nói thì thôi nhưng đã nói ra thì đó là những lời chân thật. Những người vợ có đức lang quân khô khan không biết cách thể hiện tình cảm nên nhìn ra những cái tốt, những ưu điểm của chồng để có cuộc sống dung hoà hơn. Tất nhiên, từ phía các ông chồng cũng nên chịu khó thay đổi đôi chút để cuộc sống hôn nhân trở nên tuyệt vời và sinh động hơn.

    Cuộc sống ngắn ngủi, chẳng mấy chốc tuổi trẻ sẽ trôi qua, các cặp đôi khi còn có thể nên mang lại cho nhau thật nhiều hạnh phúc và niềm vui. Không nên để vợ uổng phí sức trẻ với cảm xúc yêu đương bị mai một, đức ông chồng vô tâm không biết tận hưởng của trời ban để về già ôm niềm hối tiếc.

    (Theo Kỳ Anh // Gia đình & xã hội)